Trước copy trong nhóm X-factor nên share.

Kết quả hình ảnh cho chiến thắng chiến tranh biên giới

Kết quả cuộc chiến biên giới phía bắc
Sau 1 cuộc chiến, sẽ luôn luôn có những phân tích, đánh giá về kết quả của nó. Và câu hỏi thường trực nhất mà chúng ta thường quan tâm hoặc nhận được luôn là: ai THẮNG - ai BẠI.
Thế nhưng nếu quy về bản chất, cặp khái niệm “THÀNH / BẠI” này khá cảm tính và mang nặng tính thống kê. Ví dụ như: số lượng thương vong là bao nhiêu, thiệt hại mỗi bên phải gánh chịu, vấn đề biên giới, đất đai / lãnh thổ sau cuộc chiến có thay đổi không?... Thế nhưng, trớ trêu thay là những câu hỏi này thường không có câu trả lời chính xác để rồi sau đó đồng quy về 1 khái niệm đơn giản: bên nào ít thiệt hại hơn là bên chiến thắng.
Nhưng sự thật chưa bao giờ là đơn giản như vậy. Đã từng có nhiều, rất nhiều ví dụ để đi đến kết luận rằng: có những cuộc chiến mà kẻ THUA lại được nhiều hơn mất, còn người THẮNG lại mất nhiều đến mức hoá ra thua. Chính vì vậy, thước đo được dùng bởi phương pháp thống kê ấy đã trở nên cổ điển, không còn mang nhiều giá trị với giới nghiên cứu sau này và được thay thế bằng những khái niệm mới, mà ở đó, giá trị của 1 cuộc chiến được định đoạt bởi những mục đích chính trị. Như học thuyết mà Mao Trạch Đông từng đưa ra:
"Chiến tranh về cơ bản là một vụ kinh doanh chính trị, miễn sao ta đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, còn các vấn đề gây ra từ thất bại của chiến thuật chỉ là thứ yếu."
Vậy trong cuộc chiến biên giới năm 1979:
TRUNG QUỐC ĐÃ THẮNG HAY THUA?
Một câu hỏi khá thú vị, nhưng câu trả lời lại rất đơn giản: Trung Quốc đã THẮNG trong cuộc chiến này. Hay nói đúng hơn, cuộc chiến này chỉ có 1 kẻ thắng duy nhất, đó là ĐẶNG TIỂU BÌNH.
Vì sao?
//
1. Cuộc chiến này đã củng cố được quyền lực tối cao của Đặng trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như xác lập vị thế tuyệt đối của Đảng.
Sau những thăng trầm, Đặng Tiểu Bình nổi lên trở lại trên đấu trường chính trị vào tháng 7 / 1977 với vai trò Phó chủ tịch Đảng Cộng Sản (ĐCS), Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng và Tổng tham mưu trưởng Giải phóng quân Trung Quốc (PLA). Tuy nhiên, ở thời điểm ban đầu, quyền lực của Đặng được khôi phục không đồng nghĩa với việc nắm uy thế áp đảo trong Đảng. Bởi khi ấy Hoa Quốc Phong (chủ tịch Đảng, chủ tịch Quân ủy Trung ương), được sự hậu thuẫn của Uông Đông Hưng (phó chủ tịch Đảng), vẫn còn nắm quyền kiểm soát Đảng Cộng Sản TQ và tiếp tục thi hành các ý tưởng của cố chủ tịch Mao Trạch Đông. Bên cạnh đó, nguyên soái Diệp Kiếm Anh vẫn còn phụ trách Quân ủy Trung ương.
Giữa năm 1977 đến cuối năm 1978, cuộc tranh giành quyền lực giữa Hoa Quốc Phong và Đặng Tiểu Bình ngày càng căng thẳng. Với vị trí Tổng tham mưu trưởng Giải phóng Quân Trung Quốc, Đặng nắm rõ kế hoạch chiến tranh, nhưng dường như không chắc chắn rằng liệu ý định tấn công Việt Nam có nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của Bộ Chính trị hay không. Hơn nữa, Đặng cần xem xét các mục tiêu chính trị mà Giải phóng Quân Trung Quốc có khả năng đạt được thông qua hành động quân sự ngoài việc đơn giản là trừng phạt Việt Nam.
Cán cân chính trị chính thức nghiêng về phía Đặng khi Hội nghị công tác trung ương Đảng toàn quốc diễn ra năm 1978. Tại hội nghị này, vị trí lãnh đạo tuyệt đối của Đặng đã được khẳng định chắc chắn, cho phép ông ta trở thành người ra quyết định cuối cùng về vấn đề Việt Nam.
Trong 1 cuộc họp Quân ủy Trung ương khác cuối năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã chính thức đề xuất một cuộc chiến tranh trừng phạt Việt Nam đồng thời có những thay đổi quan trọng trong công tác nhân sự. Theo đó, Đặng bổ nhiệm 2 tướng lĩnh thân cận làm chỉ huy toàn bộ chiến dịch:
+ Mặt trận phía Đông Quảng Tây do tướng Hứa Thế Hữu phụ trách.
+ Ở hướng Tây Vân Nam (thuộc quân khu Côn Minh), Đặng điều động tướng Dương Đắc Chí (tư lệnh quân khu Vũ Hán) làm chỉ huy mà không dùng tướng Vương Tất Thành (vốn là tư lệnh quân khu Côn Minh).
Sự thay đổi này diễn ra chóng vánh và được giữ bí mật đến mức hai phó tổng tham mưu trưởng của Đặng đã đến Côn Minh để giám sát việc chuyển giao quyền lực và chuẩn bị chiến tranh. Không có một bộ tư lệnh trung tâm, 2 quân khu sẽ tiến hành tác chiến độc lập, không có phối hợp hoặc hiệp đồng. Cuộc họp cũng nhắc lại rằng cuộc tấn công phải được tiến hành chớp nhoáng và tất cả các đơn vị phải rút về sau khi đạt được mục tiêu của chiến dịch.
Chính vì thế, các học giả sau này đưa ra giả thiết là đã có một vài lãnh tụ Trung Quốc phản đối việc tấn công Việt Nam, nhưng họ không thống nhất được đó là ai và sự phản đối theo hình thức nào. Khi Đặng đã là kiến trúc sư trưởng của kịch bản thì khó có ai dám thách thức được quyết định của ông ta, một người đầy uy tín cũng như thâm niên trong Đảng. Kiểm soát được Bộ Tổng Tham Mưu, Đặng đã có được các phương tiện thuận lợi nhất để thúc cỗ máy chiến tranh vận hành trước khi ban lãnh đạo Trung ương đưa ra quyết định cuối cùng.
//
2. Cuộc chiến này đã đẩy TQ đến gần với Mỹ hơn bao giờ hết trong lịch sử. Tạo điều kiện cho TQ hoàn toàn đổi mới kinh tế, sớm hơn cả Liên Xô và tránh việc bị sụp đổ như Liên Xô sau này.
Ngay từ những năm 70, Mao Trạch Đông đã theo đuổi chiến lược “một đường ngang” (nhất hoành tuyến) trên toàn cầu, tức là một đường phòng thủ chiến lược chống lại Liên Xô kéo dài từ Nhật Bản sang châu Âu đến Mỹ. Cơ sở chiến lược “hoành tuyến” của Mao là dựa vào sự hợp tác chặt chẽ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Washington đã đáp lại dự án này của Bắc Kinh một cách hờ hững. Nỗi thất vọng của TQ tiếp tục kéo dài trong suốt những năm đầu của nhiệm kỳ tổng thống Jimmy Carter khi ông chính thức tuyên bố sẽ dành ưu tiên cao hơn cho hoà dịu Xô - Mỹ. Đặng không thích chính sách cố gắng xoa dịu căng thẳng quốc tế thông qua đàm phán của Hoa Kỳ và không tin rằng các thỏa thuận hoặc hợp tác với Liên Xô có thể ngăn chặn nước này bành trướng. Đáp lại từ phía Hoa Kỳ, Zbigniew Brzezinski (cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Carter) trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh tháng 5 / 1978 đã cho rằng các chính sách của Trung Quốc chỉ đơn giản là “nói suông” mà thôi. Chính vì thế, hành động quân sự lần này của Đặng được cho là minh chứng để khẳng định với Hoa Kỳ rằng Trung Quốc không nói suông trong việc muốn tạo lập một liên minh để chống lại “thái độ hung hăng” của Liên Xô.
Cùng với đó là hai sự kiện: Việt Nam can thiệp vào Campuchia + liên minh Xô - Việt được thành lập đã khiến Đặng tin rằng quan hệ hợp tác chiến lược Xô - Việt là mối đe doạ đến Trung Quốc. Vì thế, Đặng không chỉ hy vọng rằng việc bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ sẽ cải thiện vị trí chiến lược của Trung Quốc mà sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong cải cách kinh tế với sự hỗ trợ của Mỹ. Bên cạnh đó, Đặng còn mong chờ cuộc tấn công của Trung Quốc vào đồng minh của Liên Xô sẽ là bằng chứng thuyết phục chính phủ Mỹ rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng có lợi ích chung.
Sau cuộc chiến, có thể kết luận ý định “làm thân” của Bắc Kinh đã phần nào đươc Washington đáp lại khi Mỹ vừa công khai (một kiểu hình thức) lên án cả cuộc xâm lược của Việt Nam vào Campuchia + cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Việt Nam lại vừa chia sẻ mối quan tâm của Trung Quốc trong việc ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô tại Đông Nam Á. Ý chí sẵn sàng sử dụng vũ lực của Bắc Kinh, bất chấp gánh chịu thương vong, đã biến Trung Quốc thành “một bức tường có giá trị” trong việc ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng Xô-Việt. Washington vào thời điểm đó đã tiếp tục tìm kiếm một mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc để cân bằng cán cân với Liên Xô.
Về kinh tế: một trong những quyết định quan trọng đầu tiên của Đặng (được công bố tại Hội nghị TW Ba), là chuyển ưu tiên quốc gia sang hiện đại hoá kinh tế và mở cửa ra thế giới bên ngoài. Theo chương trình này, Hoa Kỳ được xem là cái đích để học tập các ý tưởng và công nghệ tiên tiến, đồng thời là tấm gương thích hợp nhất về hiện đại hoá. Đặng tin rằng nếu TQ chỉ mở cửa với các nước khác nhưng nói không với Hoa Kỳ thì chính sách mới sẽ không có hiệu quả. Đến tháng 12 / 1978, Bắc Kinh đã mời một số tập đoàn lớn của Hoa Kỳ giúp đỡ phát triển tài nguyên thiên nhiên, dầu khí, và các nghành công nghiệp nặng khác ở Trung Quốc.
Có thể nói nhân tố Mỹ đóng một vai trò quan trọng trong tư duy chiến lược của Trung Quốc trong gian đoạn trước khi tiến hành cuộc chiến với Việt Nam.
//
3. Cuộc chiến 1979 đã tàn phá biên giới và đẩy lùi quá trình đổi mới ở Việt Nam gần chục năm.
Theo quan điểm của TQ, cuộc chiến 1979 với Việt Nam là một biện pháp quân sự có tính toán nhằm trả đũa chính sách thù nghịch với Trung Quốc và sự bành trướng của Việt Nam tại Đông Nam Á cũng như tham vọng toàn cầu của Liên Xô. Mặc dù chiến dịch này bộc lộ nhiều điểm yếu trong học thuyết quân sự và chiến thuật, nhưng Trung Quốc đã nhanh chóng nắm giữ thế chủ động và nhịp độ của cuộc xung đột. Bắc Kinh đã gây bất ngờ cho Hà Nội không chỉ vì quy mô của chiến dịch, mà còn ở việc rút lui nhanh chóng và không bị sa lầy ở Việt Nam.
Ngược lại, phía Việt Nam dường như không hiểu hết các động thái chiến lược và mục tiêu chiến tranh của TQ, khi khăng khăng giữ quan điểm cho rằng cuộc xung đột năm 1979 sẽ mở màn cho một kế hoạch xâm lược dài hạn của Bắc Kinh vào chủ quyền và nền độc lập của Việt Nam. Sau khi Trung Quốc tuyên bố rút quân, Hà Nội vẫn kêu gọi tổng động viên toàn quốc cho chiến tranh, thúc đẩy việc xây dựng các vị trí phòng thủ trong và xung quanh Hà Nội. Đến cuối tháng 5, mặc dù quân đội TQ đã trở lại trạng thái bình thường, nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục đề phòng, duy trì số lượng lớn quân đội dọc theo biên giới phía Bắc vào thời điểm mà nền kinh tế của Việt Nam đang “ở trong một tình trạng tồi tệ hơn lúc nào hết kể từ sau năm 1975”.
Như một kết quả tất yếu, Hà Nội phải dồn hết nỗ lực cho hai cuộc chiến tranh cùng một lúc, một ở Campuchia và một ở biên giới phía Bắc, dẫn đến tình trạng mọi nguồn lực đều dồn cho việc phòng ngự chiến tranh, thay vì tập trung cho hiện đại hóa nền kinh tế. Và quan trọng hơn, điều này làm giảm tham vọng về địa chính trị của họ.
//
4. Vấn đề Campuchia
Điều quan trọng nhất trong chiến lược Campuchia của TQ đã được cuộc chiến 1979 giải quyết gọn gàng. Một mặt, nó đã bảo vệ được lực lượng Khmer Đỏ khỏi bị diệt vong và mặt khác, nó khiến Việt Nam buộc phải rút dần quân và ảnh hưởng khỏi Cambodia.
Mặc dù ý tưởng về 1 cuộc triệt thoái quân đội Việt Nam ngay lập tức khỏi lãnh thổ Campuchia của giới lãnh đạo TQ không được thực hiện, nhưng bù lại, ý định quét sạch Polpot khỏi Campuchia của Việt Nam cũng không bao giờ có thể trở thành hiện thực khi phải căng mình trên cả 2 chiến tuyến. Điều này đã làm suy yếu đáng kể sức mạnh quân sự Việt Nam trong việc bình định tàn dư của chế độ Ieng Sari và dẫn đến 1 hệ quả thứ 2 cũng tai hại không kém, đó là: cuộc chiến này đã đẩy tinh thần bài Việt ở Campuchia lên mức độ cao nhất, đồng thời ngăn chặn ảnh hưởng của Việt Nam và Liên Xô ở phần còn lại của Bán đảo Đông Dương.
Chính vì không giải quyết được tận gốc vấn đề Polpot mà Việt Nam lâm vào thế “bỏ thì thương, vương thì tội”. Nó khiến Hà Nội ngay lập tức không thể triệt thoái toàn bộ quân đội về nước (mà phải đồn trú trên đất Cam mãi gần 10 năm) khi chế độ Polpot vẫn còn manh nha bùng phát trở lại. Từ đó dẫn đến những mâu thuẫn vế ý thức hệ giữa người dân sở tại và chính quyền chiếm đóng ngày càng tăng cao. Đặc biệt là với mối quan hệ không được êm ấm Việt - Cam từ trăm năm nay lại càng sâu sắc và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Mâu thuẫn càng tăng cao, Polpot càng có cơ hội xây dựng lực lượng, tuyển mộ binh lính từ những người có tinh thần kháng Việt. Sihanouk vì thế mà có cơ hội trở lại. Hun Sen thì hai lòng dù không thể hiện.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn phải chịu sư xa lánh của toàn khối Asean khi trong mắt họ, Hà Nội trở thành 1 Tiểu bá vương tại khu vực. Lào quan sát những sự kiện ấy với thái độ e dè, nơm nớp lo sợ chuyện Liên bang Đông Dương trở thành hiện thực. Thái, Mã Lai nhìn sự chiếm đóng của Việt Nam ở Campuchia như một sự đe dọa đến biên giới mình, khiến làn sóng chống đối Việt Nam của các nước ASEAN tiếp tục gia tăng, và theo lẽ cân bằng chiến lược, họ phải ngả sâu thêm về phía Mỹ và Trung.
Có thể nói, cuộc chiến Việt - Trung 1979 là khởi đầu cho một chính sách làm “chảy máu” Việt Nam trong nỗ lực ngăn chặn sự bành trướng của Hà Nội ra Đông Nam Á. Sau cuộc chiến này, Trung Quốc vẫn thi hành chiến lược duy trì áp lực quân sự lên Việt Nam kể cả sự đe dọa liên tục bằng lời nói về một cuộc tấn công thứ hai, và đôi khi tăng cường pháo binh bắn phá kết hợp với những trận đánh lớn ở biên giới trong gần hết thập kỷ 1980.
//
5. Cú hích lớn cho việc thay đổi toàn diện tư duy & nghệ thuật chiến tranh cho lực lượng quân giải phóng Trung Quốc (PLA)
Bất kể thành công của Trung Quốc như thế nào, những vấn đề vẫn được mổ xẻ tận gốc, từ hiệu năng chiến đấu, bài học rút ra… cho đến tư duy của giới tướng lĩnh PLA khi càng nhìn lại cuộc chiến, họ càng thấy những mâu thuẫn nội tại. Trong khi tuyên bố đã gchiến thắng, họ cũng thừa nhận cái giá quá cao mà Giả phóng quân Trung Quốc đã phải trả.
Vì thế, kể từ sau cuộc chiến 1979 với Việt Nam, PLA đã tiến hành sửa đổi sâu rộng trong học thuyết quốc phòng, trong chỉ huy và điều khiển, chiến thuật tác chiến, cơ cấu lại lực lượng... Ngày nay, không ai nghĩ rằng các lực lượng vũ trang của Trung Quốc sẽ lặp lại những gì họ đã làm trong chiến tranh biên giới với Việt Nam. Từ góc độ lịch sử, những nét đặc thù của người Trung Quốc đã bộc lộ trong cuộc chiến 1979 có thể vẫn còn có giá trị trong các giáo trình của học viện quân sự cũng như đối với những người quan tâm đến phương pháp sử dụng sức mạnh quân sự của người Trung Quốc, không chỉ trong quá khứ mà cả với hiện tại và trong tương lai.
//
© Bài viết sử dụng những thông tin của nhà nghiên cứu Trương Tiểu Minh (Zhang Xiaoming). Ông hiện là giáo sư giảng dạy tại trường Cao Đẳng Không Chiến (Air War College) tại Montgomery, tiểu bang Alabama (Hoa Kỳ) - khoa Chỉ huy & Chiến lược, chuyên ngành Trung Quốc & Khu vực Đông Á.
Các tác phẩm của Trương Tiểu Minh được sử dụng trong bài:
[1] China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment
[2] Deng Xiaoping and China’s Decision to go to War with Vietnam
[3] Deng Xiaoping’s Long war
© Ảnh minh hoạ (Getty Image): Đặng Tiểu Bình tay bắt mặt mừng với Polpot trong chuyến thăm chính thức của thủ lĩnh Khmer Đỏ tại Bắc Kinh vào nửa đầu năm 1978 - năm mà Đặng đã hoạch định sẵn kế hoạch về 1 cuộc chiến với Việt Nam.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

NHẬT KÝ HOẠT ĐỘNG

BÀI ĐĂNG GẦN ĐÂY