Trước copy trong nhóm X-factor nên share.
Có hay không cái gọi là "Hội nghị Thành Đô" và những nội dung trong đó?
Đây cũng là câu hỏi mà dạo trước, thỉnh thoảng có bạn hỏi chúng tôi và chúng tôi hẹn 1 dịp khác. Đối với chúng tôi, hoặc thế hệ 8X trở về trước, "hội nghị Thành Đô" không hề là 1 điều gì mới mẻ. Ngay chính bạn cũng có thể google 4 chữ "hội nghị Thành Đô" 1990 sẽ cho rất nhiều kết quả.
"CÓ HAY KHÔNG "HỘI NGHỊ THÀNH ĐÔ"
Tôi có thể trả lời chắc chắn cho bạn 1 điều: CÓ.
Đó là cuộc hội nghị thượng đỉnh Việt - Trung trong hai ngày 3-4 tháng 9, 1990, tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) giữa lãnh đạo cao cấp nhất của hai Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Cuộc họp mặt này nhằm mục đích bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và hai Đảng sau hơn 10 năm căng thẳng về mọi mặt.
Nhưng muốn hiểu, muốn biết về hội nghị này, không chỉ trong nội dung 1-2 bài là đủ. Bởi muốn hiểu rõ, chúng ta phải đi sâu từ tình hình thực tế giai đoạn đó (của VN & của cả thế giới), nguyên nhân, diễn biến, kết quả và sau cùng mới là nhận định của các học giả quốc tế. Thế nên, chúng tôi cũng chưa đủ tầm phán xét cha ông mà trong nội dung ngắn của bài này, tôi chỉ xin tổng hợp lại 1 số nội dung cơ bản:
DIỄN BIẾN
Mùa hè năm 1990, đã có những biến chuyển mới bắt nguồn từ các sự kiện trước đó và trở thành tiền đề cho sự thay đổi các động thái ngoại giao quốc tế. Thời điểm này, chúng ta vẫn đang phân vân giữa 2 dòng nước khi chưa quyết định được sẽ chọn phương án nào cho vấn đề Campuchia:
+ Phương án 1: cố gắng đạt được thỏa thuận với Trung Quốc dựa trên ý thức hệ chung (tức một “giải pháp đỏ” cho vấn đề Campuchia) - nói cách khác, đây là quá trình đàm phán song phương.
+ Phương án 2: tham gia vào quá trình tìm kiếm những giải pháp ngoại giao với kết quả khó dự đoán hơn thông qua Liên Hợp Quốc, tức là sẽ bao gồm cả Hoa Kỳ và ASEAN - tức đàm phán đa phương.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, Trung Quốc bất ngờ gửi lời mời khẩn tới Thủ tướng Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng, đề nghị một cuộc họp khẩn tại Thành Đô để tham gia vào một nỗ lực giải quyết vấn đề Campuchia cũng như đạt được bước đột phá trong việc bình thường hóa quan hệ Trung – Việt. Điều này rất bất ngờ bởi từ trước cho đến thời điểm đó, Trung Quốc vẫn kiên quyết khẳng định vấn đề Campuchia phải được giải quyết theo ý Trung Quốc trước khi có thể đàm phán bình thường hóa quan hệ. Nhưng những phân tích của cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ khi đó cho thấy Trung Quốc giờ đã phải thay đổi lập trường do ưu tiên hàng đầu của họ là phát triển kinh tế đã bị cản trở bởi các biện pháp trừng phạt quốc tế sau vụ Thiên An Môn.
KẾT QUẢ (*)
Sau khi từ Thành Đô trở về, theo tiết lộ của cựu Đại sứ Trung Quốc tại VN Trương Đức Duy cho biết:
Cuộc gặp lãnh đạo hai nước chủ yếu thảo luận cách giải quyết chính trị vấn đề Campuchia và khôi phục quan hệ bình thường Trung Quốc – Việt Nam. Về vấn đề Campuchia, hai bên chú trọng bàn về thành viên Ủy ban Tối cao cơ quan quyền lực lâm thời Campuchia, tức phương án phân phối quyền lực sau khi Việt Nam rút quân.
+ Phía Trung Quốc đề xuất Ủy ban này gồm 13 thành viên, ngoài Sihanouk làm Chủ tịch ra, chính quyền Phnompenh cử 6 đại biểu, phía lực lượng chống đối gồm ba phái Campuchia Dân chủ (tức Khmer Đỏ), Ranaridh và Son Sann mỗi phái 2 đại biểu, tổng cộng 6 đại biểu.
+ Phía Việt Nam: TBT Nguyễn Văn Linh tỏ ý có thể tiếp thu phương án này của phía Trung Quốc; Thủ tướng Đỗ Mười lại cho rằng bản thân Sihanouk cũng thuộc lực lượng chống đối, như vậy tỷ lệ hai bên là 6 so với 7, phía lực lượng chống đối nhiều hơn 1 ghế, dự đoán phía chính quyền Phnom Penh sẽ khó tiếp thu phương án này; Cố vấn Phạm Văn Đồng thì nói phương án của phía Trung Quốc đã không công bằng lại cũng không hợp lý.
Kết quả cuối cùng phía Việt Nam đồng ý dựa vào phương án của phía Trung Quốc để làm công tác thuyết phục phía Phnom Penh.
Về mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam, hai bên đều có thái độ nhìn về phía trước, không rà lại các món nợ cũ. Lãnh đạo hai nước đều đồng ý dựa theo tinh thần “Kết thúc quá khứ, mở ra tương lai” viết một chương mới trong mối quan hệ Trung – Việt. Khi kết thúc cuộc gặp, lãnh đạo hai nước đã ký kết “Biên bản Hội đàm”.
Tổng Bí thư Giang Trạch Dân còn ý vị sâu xa trích dẫn hai câu thơ của Giang Vĩnh, nhà thơ đời Thanh:
Độ tận kiếp ba huynh đệ tại,
Tương kiến nhất tiếu mẫn ân cừu
[tạm dịch]
Qua kiếp nạn, anh em còn đó.
Gặp nhau cười, hết sạch ơn thù.
Tối hôm ấy, TBT Nguyễn Văn Linh xúc động viết bốn câu thơ:
Huynh đệ chi giao số đại truyền,
Oán hận khoảnh khắc hóa vân yên,
Tái tương phùng thời tiếu nhan khai
Thiên tải tình nghị hựu trùng kiến
ĐÁNH GIÁ (**)
Không thể phủ nhận, ở hội nghị Thành Đô 1990, ta đã có những nhượng bộ nhất định cho Trung Quốc. Nhưng động lực cho sự nhượng bộ ở Thành Đô nhằm bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vừa là chính sách thực dụng (bù đắp cho sự thiếu hụt hỗ trợ từ Liên Xô và thừa nhận thực tế là vị thế chiến lược của Trung Quốc đã được cải thiện) vừa mang tính ý thức hệ (duy trì và tăng cường số lượng giảm sút của các nước cộng sản nòng cốt).
Một tờ báo Anh dẫn nguồn tình báo phương Tây cho rằng Trung Quốc đã đề nghị cung cấp cho Việt Nam các loại hàng hóa cơ bản mà nay Liên Xô không còn có thể cung cấp, và trả lại một phần đáng kể quần đảo Trường Sa (khu vực có trữ lượng dầu lửa tiềm năng). “Để đổi lại, Trung Quốc đề nghị Hà Nội ‘điều phối’ – nói cách khác là điều chỉnh theo hướng lệ thuộc – chính sách đối ngoại của Việt Nam theo chính sách của Bắc Kinh".
Tuy kết quả cuối cùng, chúng ta đã từ chối đề nghị này nhưng điều làm ngạc nhiên các học giả phương tây chính là “Hà Nội đã tiến rất gần [đến việc chấp nhận] nó”… - theo 1 nguồn tin tình báo từ Bangkok. Vậy là củ cà rốt giơ ra trước mặt Hà Nội là rất lớn, và họ đã phải suy đi nghĩ lại trước khi khước từ toàn bộ. Nó cho thấy Việt Nam đã tuyệt vọng đến mức nào. "Trên thực tế, vị thế chiến lược xấu đi của Việt Nam đã nhanh chóng buộc nước này phải miễn cưỡng chấp nhận vai trò cửa dưới mà Trung Quốc đề nghị – ngay cả khi không còn những củ cà rốt".
Bài phát biểu tháng 9 năm 1990 của TBT Đỗ Mười, một bản chi tiết hơn của bài phát biểu tháng 12 năm 1989, cũng cho thấy Việt Nam đã cố gắng suy tính những tác động của quan hệ quốc tế trong kỷ nguyên mới, trong đó cả chính sách (địa chính trị) thực dụng và các yếu tố ý thức hệ đều không mang tính quyết định trong việc giải quyết vấn đề cấp bách nhất của Việt Nam, đó là sự lạc hậu về kinh tế. Ở thời điểm đó, giải thoát khỏi gánh nặng Campuchia và tìm cách thỏa hiệp với Trung Quốc để Việt Nam có thể tập trung phát triển kinh tế là điều cần thiết nhất.
Thế nhưng, với Thứ trưởng Trần Quang Cơ, ông gọi đó là một thất bại ngoại giao đối với Việt Nam khi cho rằng lý do chính là Việt Nam đã tự huyễn hoặc mình bằng cách bám vào niềm tin rằng Trung Quốc có quan tâm đến một liên minh ý thức hệ để chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các nước phương Tây nhằm lật đổ các nước cộng sản còn lại. Sự sụp đổ của những nỗ lực thất bại nhằm đạt được một “giải pháp đỏ” là bước quan trọng cuối cùng dẫn tới vai trò ngày một phai nhạt của bóng ma “diễn biến hòa bình” vốn được các phần tử bảo thủ của Việt Nam lấy làm cái cớ để phản đối các lực lượng theo xu hướng hội nhập của một hệ thống hậu Chiến tranh Lạnh đang toàn cầu hóa.
Như xát muối vào vết thương, Trung Quốc hân hoan tiết lộ nội dung hội nghị cho Hun Sen và một loạt các bên khác rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam đồng ý chấp nhận cho các thế lực chống Hun Sen chiếm ưu thế trong chính phủ liên minh – trên thực tế là bán đứng phe được Việt Nam bảo trợ vốn đang là thế lực thống trị ở Campuchia trong thời gian đó. Một trong những mục tiêu của việc tiết lộ cuộc đàm phán được cho là bí mật này là nhằm xây dựng một hình ảnh Việt Nam tráo trở và không đáng tin cậy với đồng minh, đồng thời gây chia rẽ trong giới lãnh đạo Việt Nam. Trong vấn đề này Trung Quốc đã thành công: trong một cuộc họp Bộ Chính trị giữa tháng 5 năm 1991, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng bày tỏ sự ân hận vì bị đẩy vào thế ủng hộ một chính sách không khôn ngoan. Thủ tướng Đỗ Mười cũng lấy làm tiếc về kết quả, với lý do nó sẽ khiến Việt Nam trở thành người bạn không đáng tin cậy trong con mắt các đối tác. Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng nói với TBT Nguyễn Văn Linh rằng ông đã mắc một sai lầm nghiêm trọng.
//
Đây chính là những nộ dung chính thống mà ta được tiếp cận. Những ai vẫn còn lăn tăn, các bạn nên suy nghĩ lại về vị thế VN ở thời điểm đó:
1. Đây là giai đoạn kinh tế VN đang kiệt quệ. Điều này là thực tế không thể chối cãi. Nguyên nhân thì nhiều và do chính chúng ta là chính - những sai lầm mang tính hệ thống từ nhiều lĩnh vực: đối nội, đối ngoại, kinh tế, quân sự... Vậy cần làm gì để vực dậy đất nước?
2. Nội lực ư? Lúc đó chúng ta có gì? Không một tấc sắt trong tay! Cả dân tộc đói vều cả mỏ. Đó là giai đoạn cha mẹ, ông bà chúng ta ăn cơm trộn bo bo, lúa mì... thay cho gạo / cơm đấy các bạn ạ.
3. Muốn vay mượn, nhờ vả thì dựa vào ai? Liên Xô - người bảo trợ tốt và lâu năm nhất cũng đang trên bờ vực của sụp đổ. Họ lo thân còn chưa xong, giúp đỡ ai?
4. Asean? Quên đi nhé khi gần như khối này đang nhìn VN với con mắt của 1 kẻ bá quyền khi xâm lược Campuchia. Liệu có ai dám đứng ra bảo lãnh và giúp đỡ 1 người đang bị cộng đồng xa lánh?
5. Hoa Kỳ & phương Tây?
+ Thứ 1: chúng ta đã bỏ qua thời cơ bình thường hoá quan hệ với họ trong cuối thập kỷ 70.
+ Thứ 2: chấp nhận bình thường hoá quan hệ với Mỹ, tức là tự tay ta xoá bỏ hệ thống tư tưởng mà mình đã dày công mới có được. Nếu là các vị, các vị có làm không? Ở đây tôi không nói đến lợi ích cá nhân, mà nó là 1 hệ thống tư tưởng đã ăn sâu vào đầu óc các vị lãnh đạo hồi đó. Giống như việc 1 ngày tôi bảo bạn phải xoá bỏ hết những đức tin, lý tưởng của bạn... bạn có làm được không?
6. Và cuối cùng... TQ chính là cái phao "dù tệ nhất" cho VN ở thời điểm đó. nhưng còn cách nào khác?
//
Để phản biện, tôi đã dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu về hội nghị này từ trước, nhưng ngoài những thông tin từ phía “lề trái” ra, tôi chưa từng được tiếp cận những thông tin có độ tin cậy cao hơn. Ngay cả về phía những học giả quốc tế, cũng chưa từng có ai đề cập đến văn bản “bán nước” này như những gì chúng ta đang được thấy.
Tuy nhiên, tôi cũng không bác bỏ những thông tin đó từ phía lề trái bởi lịch sử là thứ không thể chỉ thấy trong ngày 1 ngày 2. Nhưng để có thể tin được, tôi cần nhiều - nhiều hơn nữa những bằng chứng cụ thể chứ không phải vài cái hình hay con chữ trên mạng kia.
THẾ NHƯNG - hãy tạm gác cái văn kiện của hội nghị này sang 1 bên. Các bạn có thể đọc - thậm chí là đọc từ rất nhiều phía, nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất. Bởi không 1 thế lực, không 1 tổ chức, không 1 quốc gia nào có thể bắt dân tộc này làm nô lệ ngoại trừ 1 thứ duy nhất: CHÍNH CHÚNG TA.
Ở bài viết sau, tôi sẽ nói nhiều hơn về vấn đề này! Một vấn đề mà theo tôi là quan trọng hơn nhiều cái chuyện về “hội nghị Thành Đô” kia.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét